Tin tức
Hành lang pháp lý là... “rào cản” xử lý tội phạm công nghệ cao?
(29/06/2012)

 

6 tháng đầu năm cả nước đã phát hiện và xử lý 111 vụ, 232 đối tượng trong đó có hàng trăm người nước ngoài phạm tội khi nhập cảnh vào Việt Nam. Tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, việc phát hiện và xử lý cũng nhiều khó khăn.


Dự kiến nhóm tội phạm về công nghệ cao cũng sẽ được bổ sung với nhiều tội danh cụ thể hơn

Nguy cơ “chiến tranh mạng”

Nếu như năm 2011 ngành Công an phát hiện và điều tra xử lý 128 vụ việc, gây thiệt hại 58 tỷ đồng, hơn 1 triệu đô la Mỹ, đã thu giữ 12 tỷ đồng và 235.000 đôla Mỹ thì trong 6 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện và xử lý 111 vụ, 232 đối tượng.

Địa bàn thường xảy ra là các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thông tin, mạng máy tính, tài chính ngân hàng, thanh toán điện tử, thương mại. Địa bàn tập trung chủ yếu là một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, gần đây đã lan ra một số thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên…

Thủ đoạn của tội phạm này là lợi dụng con đường du lịch vào Việt Nam rồi móc nối với một số người Việt Nam, thông qua người Việt Nam để kết nối mạng internet, thiết lập ra một mạng riêng, diễn một số kịch bản lừa đảo mà đối tượng họ lừa đảo chủ yếu là các tổ chức và cá nhân là người nước ngoài.

Điển hình như hồi tháng 4/2012, CA Tp. Hồ Chí Minh bắt quả tang 43 người nước ngoài (quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan) đang có hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao; Vụ Tổng cục an ninh 1 (Bộ Công an) phối hợp với Công an Phú Yên bắt 57 đối tượng là người Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam; Vụ Công an Khánh Hòa bắt 24 đối tượng dùng internet lừa đảo..

Tội phạm công nghệ cao xuất hiện “rầm rộ” khoảng 3,4 năm trở lại đây, nhưng nhiều nhất phải kể từ năm 2011. Nguy hiểm nhất của loại tội phạm này chính là mối đe dọa của an ninh chính trị. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã phát hiện nhiều thông tin mật, nhạy cảm đã bị đánh cắp và nhiều hệ thống thông tin trọng yếu đã bị tấn công hủy diệt, bởi những tác nhân bên ngoài và bị sử dụng để tấn công phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu có liên quan.

Còn ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng tỏ rõ sự lo ngại “nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng đối với nước ta là có thể xảy ra do các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu công nghệ thông tin để chống phá Việt Nam và bản thân hệ thống mạng thông tin của chúng ta vẫn còn có những sơ hở”.

Cần thêm chế tài xử lý

Tội phạm công nghệ cao là những đối tượng có trình độ công nghệ thông tin chuyên sâu, có phạm vi hoạt động rộng, có thể gây án ở nhiều nơi trong một quốc gia hoặc xuyên quốc gia, dễ câu kết với nhau. Thủ đoạn phạm tội  rất tinh vi, xảo quyệt trong khi đó lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao mới ra đời, còn non trẻ nên việc phát hiện rất khó khăn. Đặc biệt hiện nay hành lang pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn còn thiếu cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều cơ quan tố tụng phải lúng túng khi xử lý những vụ việc này.

Dự báo “sắp tới tình hình liên quan đến tội phạm mạng và vấn đề đảm bảo an ninh an toàn thông tin sẽ còn diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho rằng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh thông tin Bộ Công an sẽ kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 97/CP về quản lý các dịch vụ internet theo hướng quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng vào các hoạt động xâm hại an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, Bộ Công an kiến nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật an ninh thông tin để làm cơ sở hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và đấu tranh phòng chống tội phạm mạng trong thời gian sắp tới.

Bộ luật hình sự cũng đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, dự kiến nhóm tội phạm về công nghệ cao cũng sẽ được bổ sung với nhiều tội danh cụ thể hơn. Trước mắt, trong khi chờ sửa luật, ngành Công an tăng cường phối hợp với các ngành liên quan để phát hiện, kịp thời xử lý tội phạm trong lĩnh vực này. Người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân của mình để tránh bị bọn lừa đảo lợi dụng.

Theo Bộ Công an, hiện nay một số loại tội phạm đã lợi dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ để hoạt động tội phạm trên lĩnh vực như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, đánh bạc trực tuyến thực hiện thông qua mạng Internet đang có xu hướng ngày càng gia tăng

Bình An-phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet